Thiết bị điện công nghiệp chính hãng tại Việt Nam năm 2024
Trong thời đại hiện nay, các hệ thống điện công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ. Các thiết bị điện cấu thành nên hệ thống cũng rất đa dạng và đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các thiết bị này ngày càng đa dạng và hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm, ứng dụng và cách lựa chọn các thiết bị điện công nghiệp phổ biến hiện nay nhé!
Thiết bị điện công nghiệp là gì?
Thiết bị điện công nghiệp là những thiết bị điện được ứng dụng trong hệ thống điện công nghiệp tại các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất, tòa nhà, bệnh viện… Thiết bị điện công nghiệp thường được lắp đặt trong các hệ thống điện lớn, nơi mà yêu cầu về công suất và độ bền cao hơn so với các thiết bị điện gia dụng thông thường.Tùy từng loại thiết bị mà chúng có các chức năng khác nhau như điều khiển, đóng cắt, chuyển đổi, đo lường, kiểm tra và bảo vệ các loại máy móc, lưới điện trong hoạt động sản xuất.
Các thiết bị điện công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhờ tối ưu hóa hoạt động sản xuất, hạn chế các sự cố phát sinh. Nhờ vậy, các quy trình được cải tiến hiệu quả hơn, tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí vận hành và hạ giá thành sản phẩm. Chúng đảm nhiệm các vị trí quan trọng nên nhu cầu ngày một tăng cao trên thị trường. Do đó, việc trang bị kiến thức về các thiết bị điện công nghiệp là vô cùng cần thiết để sử dụng và vận hành một cách an toàn, hiệu quả.
Đặc điểm của thiết bị điện công nghiệp
Thiết bị điện công nghiệp được sử dụng rất phổ biến nên cần đáp ứng được những yêu cầu trong môi trường công nghiệp như:
– Cần đảm bảo độ chính xác cao và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của từng ngành công nghiệp. Ngoài ra cần tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cho người vận hành và toàn bộ hệ thống.
– Phải có khả năng chịu tải lớn và độ bền cao vì các hệ thống trong lĩnh vực công nghiệp được vận hành liên tục và yêu cầu hiệu suất cao nên cần sự bền bỉ và đảm bảo hoạt động trong môi trường khắc nghiệt như nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, bụi bẩn, va đập. Nhiều thiết bị điện công nghiệp đi kèm với hệ thống làm mát hoặc thông gió để đảm bảo thiết bị không bị quá nhiệt trong quá trình hoạt động.
– Thiết bị hoạt động ổn định, liên tục trong thời gian dài mà không bị hỏng hóc nhằm hạn chế ngắt quãng các khâu, giúp duy trì năng suất cho quá trình sản xuất. Các loại thiết bị này thường được lắp đặt với hệ thống bảo vệ quá tải và ngắn mạch, đảm bảo an toàn cho cả người vận hành và hệ thống.
– Thiết kế thân thiện giúp người sử dụng dễ thao tác tác, vận hành, đảm bảo tối ưu trong việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và có thể nhanh chóng khắc phục khi xảy ra sự cố, tránh ảnh hưởng đến các thiết bị khác.
Các loại thiết bị điện công nghiệp phổ biến
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thiết bị điện công nghiệp với đa dạng mẫu mã và tính năng khác nhau. Hiểu rõ từng loại thiết bị sẽ giúp người sử dụng lựa chọn đúng loại phù hợp với nhu cầu sản xuất.
Bộ lập trình PLC
PLC là bộ điều khiển chính trong các hệ thống tự động hóa. Nó có thể được lập trình để thực hiện các tác vụ điều khiển phức tạp, giúp quản lý và giám sát các quy trình sản xuất một cách tự động. PLC có khả năng thu thập dữ liệu từ các cảm biến, sau đó điều khiển các thiết bị như động cơ, van, và máy móc khác để thực hiện các quy trình một cách hiệu quả. PLC phổ biến trong các nhà máy sản xuất ô tô, dược phẩm, và thực phẩm.
Màn hình HMI
HMI là giao diện giúp người vận hành có thể giám sát và điều khiển hệ thống tự động hóa. Màn hình HMI hiển thị dữ liệu từ hệ thống và cho phép điều chỉnh các thông số kỹ thuật. Với HMI, người vận hành có thể theo dõi các tín hiệu từ PLC, điều chỉnh quy trình hoặc dừng hệ thống khi cần thiết. HMI giúp đơn giản hóa quá trình vận hành và giám sát các quy trình tự động.
Bộ nguồn
Bộ nguồn là thành phần cung cấp năng lượng cho các thiết bị tự động hóa như PLC, HMI, cảm biến và động cơ. Một hệ thống tự động hóa đòi hỏi nguồn cung cấp điện ổn định và liên tục để đảm bảo thiết bị hoạt động trơn tru. Bộ nguồn phải đáp ứng đủ điện áp và dòng điện phù hợp cho từng loại thiết bị, đảm bảo không gây gián đoạn trong quá trình sản xuất.
Biến tần
Biến tần là thiết bị dùng để điều khiển tốc độ động cơ nhờ khả năng điều chỉnh tần số dòng điện và và điện áp đầu ra, tạo ra nguồn điện áp biến đổi có tần số khác nhau. Biến tần gồm có các loại như biến tần DC; biến tần 1 pha 220V, biến tần 3 pha 220V, biến tần 3 pha 380V, biến tần AC… Biến tần giúp tăng hiệu suất hoạt động cũng như tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện, đặc biệt hữu ích trong các ngành công nghiệp có yêu cầu điều chỉnh tốc độ máy móc liên tục như bơm, quạt và băng chuyền.
Thiết bị đóng cắt
Thiết bị đóng cắt có nhiệm vụ ngắt hoặc mở mạch điện giúp bảo vệ các thiết bị điện khỏi quá tải, ngắn mạch hoặc các sự cố phát sinh. Ngoài ra, chúng còn giúp đảm bảo an toàn trong quá trình bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị điện. Các loại thiết bị đóng cắt bao gồm cầu dao tự động MCB, MCCB, máy cắt không khí ACB, Contactor, bộ chuyển mạch, cầu chì HRC… Tùy từng loại mà chúng có thể điều khiển tự động hoặc thủ công.
Cảm biến
Cảm biến là các thiết bị đo lường các thông số trong quá trình sản xuất như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm,… từ đó giúp giám sát và điều chỉnh các thiết bị cho phù hợp với yêu cầu sản xuất. Cơ chế hoạt động của cảm biến là nó có khả năng nhận biết các yếu tố vật lý hoặc hóa học trong môi trường xung quanh và chuyển thành tín hiệu mã hóa, chuyển về cho máy chủ để điều khiển các thiết bị từ xa. Cảm biến gồm nhiều loại như cảm biến tiệm cận, cảm biến quang, cảm biến mức, encoder, cảm biến nhiệt độ, cảm biến siêu âm, cảm biến áp suất, cảm biến lực,…
Relay
Relay hay còn gọi là rơ le là một thiết bị điện tử phổ biến dùng để điều khiển mạch điện và bảo vệ hệ thống điện cùng các thiết bị khác khỏi quá tải, ngắn mạch…. Relay vận hành dựa trên hoạt động của cuộn dây điện từ tác động lên các bộ phận truyền động, nhờ đó có thể phát hiện các điều kiện bất thường như quá dòng, quá áp, dòng công suất ngược, tần số quá cao hoặc thấp.
Tủ điện công nghiệp và phụ kiện tủ điện
Tủ điện là nơi chứa các thiết bị điện công nghiệp như biến tần, khởi động từ, và relay bảo vệ. Tủ điện giúp quản lý và điều khiển hệ thống điện trong các nhà máy, xí nghiệp, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và an toàn. Phụ kiện tủ điện là các thiết bị hỗ trợ việc lắp đặt và vận hành của tủ điện như thanh cái, ray cái, ống luồn dây, ống co nhiệt, kẹp cáp, các loại đồng hồ volt, đồng hồ ampe, quạt tủ điện và lọc bụi, biến dòng điện, biến điện áp, đồng hồ tủ điện đa năng, đồng hồ giám sát điện năng, gối đỡ…
Ứng dụng của thiết bị điện công nghiệp trong ngành công nghiệp
– Ngành sản xuất và gia công: thiết bị điện công nghiệp được sử dụng để điều khiển các máy móc và dây chuyền tự động. Cụ thể, PLC và biến tần thường được dùng để điều khiển tốc độ động cơ, giúp máy móc vận hành ổn định và chính xác. Điều này cải thiện năng suất, giảm thời gian chết và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, các khởi động từ và relay bảo vệ giúp bảo vệ hệ thống khỏi các rủi ro về điện, đảm bảo an toàn cho các dây chuyền sản xuất.
– Ngành dầu khí và năng lượng: duy trì và điều khiển các hệ thống phức tạp. Các biến tần được sử dụng để điều chỉnh tốc độ của các máy bơm và quạt lớn, giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và cải thiện hiệu suất. Cầu dao tự động và relay bảo vệ giúp giám sát và ngắt hệ thống điện khi có sự cố, ngăn ngừa thiệt hại và tai nạn nghiêm trọng.
– Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống: điều khiển và tự động hóa các quy trình như đóng gói, chế biến và lưu trữ. PLC và màn hình HMI giúp giám sát và điều chỉnh toàn bộ dây chuyền sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Hệ thống tự động hóa này đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp của con người, giúp tăng tốc độ và hiệu suất sản xuất.
– Ngành hóa chất và dược phẩm: điều khiển nhiệt độ, áp suất và các yếu tố khác trong quy trình sản xuất. PLC, relay bảo vệ, và cảm biến giúp đảm bảo rằng các quy trình diễn ra theo đúng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Sự chính xác và tính ổn định của các thiết bị điện công nghiệp đảm bảo rằng các sản phẩm hóa chất và dược phẩm luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
– Ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng: các tủ điện công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối và quản lý hệ thống điện cho các công trình xây dựng lớn như tòa nhà, cầu, đường hầm, và các cơ sở công nghiệp. Tủ điện chứa các thiết bị như biến tần, khởi động từ, và cầu dao tự động, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và an toàn cho các công trình này.
Lựa chọn thiết bị điện công nghiệp phù hợp
Việc lựa chọn thiết bị điện công nghiệp phù hợp là yếu tố quyết định đến hiệu quả và an toàn của hệ thống điện trong các nhà máy, xí nghiệp, và các công trình công nghiệp. Đầu tiên doanh nghiệp cần xác định đúng nhu cầu sử dụng, quy mô hệ thống, loại máy móc, mức độ tự động hóa và tiêu thụ điện năng. Tiếp theo, cần lựa chọn thiết bị theo loại và công suất, công suất thiết bị cần đủ lớn để chịu tải nhưng không nên dư thừa. Môi trường hoạt động cũng cần được xem xét để chọn thiết bị bền bỉ, đạt tiêu chuẩn bảo vệ.
Thương hiệu và xuất xứ của thiết bị cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Chọn các thương hiệu uy tín như Siemens, Schneider Electric, hay Mitsubishi Electric sẽ đảm bảo chất lượng và dịch vụ sau bán hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần so sánh giá giữa các nhà cung cấp và tính toán chi phí vận hành để đảm bảo đầu tư hợp lý và hiệu quả. Cuối cùng, lựa chọn nhà cung cấp uy tín là rất quan trọng. Nhà cung cấp nên có chính sách bảo hành rõ ràng và khả năng hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.